Hotline: 0972 999 661

Máy rửa bát trong mắt người nhập cư ở Mỹ

Hai tháng trước, Alan Chien đưa ra một quyết định trái với truyền thống văn hoá của mình, điều mà anh còn chưa dám tiết lộ cho bố mẹ: mua một cái máy rửa bát.

“Bố mẹ tôi không tin thứ này”, Chien, 35 tuổi, một kỹ sư theo gia đình từ Đài Loan sang Mỹ khi mới chập chững biết đi, kể lại. “Chỉ bởi vì họ không bao giờ dùng đến nó, tôi cũng không bao giờ dùng đến, nó là một thứ bí ẩn đối với tôi”.

Trong nhiều gia đình người nhập cư, máy rửa bát tự động là giới hạn cuối cùng. Cho dù từ lâu họ đã chơi bóng bầu dục, rành rẽ những thứ phức tạp ở cơ quan cấp giấy phép đăng ký xe và rạp chiếu bóng tổng hợp, quen ăn bánh pizza, thì máy rửa bát vẫn là thứ họ không chịu đón nhận. Một số người nói đùa rằng việc không dùng phương tiện này là một trong những dấu ấn của nền văn hóa nhập cư, cho dù đó là người xuất thân từ châu Phi, Mỹ Latin, châu Á hay Đông Âu.

Nếu họ có máy rửa bát, thì đó chẳng qua là một thứ đồ "có cho phải đạo". Thường thì nó biến thành nơi phơi bát đĩa hay một cái chạn. Và người ta không bao giờ bật nó lên.

Các quan chức tại những công ty về đồ dùng gia đình nhận xét: Sears (hãng bán lẻ lớn thứ 3 ở Mỹ) chưa bao giờ giới thiệu sản phẩm này trong các quảng cáo của họ trên báo chí bằng tiếng Tây Ban Nha cho cộng đồng gốc Mỹ Latin.

Đó là một điều kỳ quặc khiến các nhà nghiên cứu xã hội học cũng phải bối rối. “Thật đáng ngạc nhiên”, Donna Gabaccia, nghiên cứu về lịch sử nhập cư và nấu nướng tại Đại học Minnesota, bình luận. Trong gia đình, “thường phụ nữ là người đón nhận công nghệ”, bà nhận xét. Gabaccia cho biết một cách giải thích là những người nhập cư chỉ có thể đón nhận chừng ấy thay đổi.

Em gái của Chien đã dụ dỗ anh “phá bỏ truyền thống” về việc này. Chien kinh ngạc trước khả năng rửa sạch những lớp thức ăn bám chặt của cái máy. Nhưng anh không dám chắc mình sẽ còn dùng nó tiếp.

“Tôi cứ cảm thấy nó tốn điện thế nào ấy”, anh tâm sự. “Thật kỳ quặc. Chúng tôi mua quần áo của Mỹ, dùng lò nướng, nhưng cái đồ này thì…”.

Graciela Andres than phiền rằng con gái, con rể và 3 đứa cháu ngoại của bà đã bỏ thói quen rửa bát bằng tay: “Chúng nó làm theo cách của người Mỹ, bỏ tất cả vào một cái máy rửa lớn, cho dù đó chỉ là một cái thìa bé tẹo”. Andres từ Bolivia sang sống ở Mỹ năm 1981.

Andres không chê máy giặt, lò vi sóng, máy đánh trứng và bột, đầu DVD và máy tính. Nhưng còn máy rửa bát?

“Tôi nghĩ nếu mình rửa bằng tay thì sẽ sạch hơn”, Andres, 65 tuổi, cho biết. “Lại còn phải đổ nước cho đầy cái máy nữa chứ. Nếu làm bằng tay thì nó sạch ngay”.

Con gái bà, Grace Rivera-Oven, thì nói rằng cô không thể không dùng nó. Cái máy mang nhãn hiệu Kenmore cho phép cô có thêm thời gian để vừa đưa con cái đi chơi bóng chày và bóng đá, tham gia các uỷ ban của cộng đồng và vừa làm công việc viết lách.

Ở tuổi thiếu niên, cô được một người bạn dạy cách dùng máy rửa bát: “Cô ấy là người da trắng, vì thế tôi nghĩ cô ấy biết cách sử dụng”.

Trước kia, Rivera-Owen thường bật máy trước khi mẹ đi làm về. Bây giờ thì cô có thể dùng nó bất kỳ lúc nào mình muốn. Nhưng cô vẫn cảm thấy mình thiếu một cái gì đó. Vì thế mỗi sáng thứ bảy, cô rửa bát đĩa ăn sáng bằng tay với cô con gái Amalia 10 tuổi của mình.

“Chúng tôi chỉ tán chuyện và tán chuyện”, Rivera-Oven, 35 tuổi, cho biết. “Tôi rửa, còn con bé lau khô. Điều này làm tôi nhớ lại cái thời khi tôi bằng tuổi của nó. Tôi làm việc đó cùng với mẹ mình. Tôi rất thích tiết mục lau bát”. Mẹ cô nói xen vào: “Phải rồi, tôi cũng nhớ cái thuở mà nó thì lau, còn tôi thì kiểm tra”.

Theo các nhà sử học, máy rửa bát bắt đầu xuất hiện trong các gia đình trung lưu của Mỹ cuối những năm 1960 và 1970, vào lúc nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Một thập kỷ sau, đến lượt lò vi sóng tìm được chỗ đứng của mình.

“Trước kia, khi cả gia đình ăn tối với nhau, thì họ cũng rửa bát với nhau”, Vicki Matranga, một nhà nghiên cứu và thiết kế bếp núc cho Hiệp hội Đồ dùng Quốc tế ở bang Illinois, cho biết. “Giờ đây người Mỹ thích sự tiện lợi. Bếp là nơi bạn hâm đồ ăn trong lò vi sóng”.

Bên ngoài nước Mỹ, Canada và Tây Âu, máy rửa bát là một thứ lạ lẫm. Ở đa số các quốc gia, thường người dân không đủ tiền để mua nó, nếu họ có đủ tiền, thì họ đã có người làm, những người có thể rửa bát bằng tay.

Một báo cáo kinh tế năm 2004 của Ấn Độ cho thấy tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo ở nước này đã làm tăng doanh số máy giặt, tủ lạnh và các thiết bị gia đình khác thêm 20% mỗi năm. Tuy nhiên, máy rửa bát là “một thị trường không đáng kể”.

Còn tại đất nước say mê công nghệ Hàn Quốc, nhiều gia đình có tủ lạnh gắn màn hình tivi và máy làm mát cho riêng những lọ kim chi, nhưng cũng không có máy rửa bát.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, một cái máy chất đầy bát chỉ cần lượng nước bằng nửa so với rửa bằng tay. Dùng nó 6 lần/tuần tốn khoảng 49 USD/năm, hơn tủ lạnh chút ít. Mike McDermott, giám đốc quảng cáo của công ty General Electric, cho rằng nếu người nhập cư được cung cấp nhiều thông tin về những tiện ích của máy rửa bát, họ sẽ sử dụng nó nhiều hơn.

Ông sẽ không có cơ hội thành công đối với gia đình của Douglas Lee. Ông bà của Lee từ Trung Quốc sang đây sinh sống từ năm 1963. Cả 3 thế hệ, không có ai dùng máy rửa bát.

Lee, 22 tuổi, không hiểu nổi tình yêu của người Mỹ với thiết bị này: “Bạn có phải rửa nó trước khi cho nước vào không? Nếu thế thì còn cần dùng nó làm gì nữa? Tôi thấy nhiều người bạn da trắng của tôi xài nó. Dù sao thì cũng không thể đánh giá con người qua cách họ rửa bát”.

Bernie Fischer, anh chàng tự nhận là “một người da trắng điển hình”, lớn lên ở Baltimore, đã quá rõ tác dụng của máy rửa bát. Cha mẹ anh ghiền thứ này đến mức họ dùng nó thường xuyên cho dù cứ khi máy chạy là đèn trong ngôi nhà cũ kỹ của họ lại tối đi.

Nhưng ngày nay, cái máy ở gia đình anh chỉ được dùng để phơi khô bát đĩa. Đó là ý tưởng của vợ Fischer. Mary Ngo là một người Mỹ gốc Việt.

“Mary nghĩ gì là cô ấy khăng khăng như vậy thôi”, Fischer, 29 tuổi, một bác sĩ tâm lý, tâm sự.

“Tôi không thấy dùng máy rửa bát tiện ở chỗ nào”, Mary Ngo, 28 tuổi, giải thích.

Dù sao cô cũng để chồng mình bật cái máy lên 2 tuần/lần, chỉ để rửa nó chứ không phải rửa bát.

M.C

0 nhận xét:

Đăng nhận xét